Nhận được thông báo hết hạn hợp đồng lao động, đơn vị sử dụng không có nhu cầu ký tiếp, anh Lê Mạnh Tùng (công nhân làm việc ở Cam Lâm, Khánh Hòa) lo lắng cho biết, trong thời gian chờ xin việc mới, chưa rõ cách làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp thể nào, liệu có mất nhiều thời gian không.
Một số công nhân khác ở Khánh Hòa bị chấm dứt hợp đồng lao động cũng lo đi lại nhiều và phải đợi chờ.
Một số công nhân khác ở Khánh Hòa bị chấm dứt hợp đồng lao động cũng lo đi lại nhiều và phải đợi chờ.
Trước băn khoăn của nhiều công nhân, ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống.
Ông Công cho biết, người lao động mất việc có thể nộp hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp qua Cổng thông tin dịch vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa, hoặc cổng dịch vụ công quốc gia mà không phải đến nộp hồ sơ trực tiếp.
Quy trình nộp hồ sơ, người lao động đăng ký một tài khoản trên cổng dịch vụ hành chính công, sau đó chuyển các tài liệu gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ LĐ-TB&XH ban hành; bản chính hoặc bản sao có chứng thực các giấy tờ liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ việc, mất việc; sổ bảo hiểm xã hội; căn cước công dân.
Quy trình nộp hồ sơ, người lao động đăng ký một tài khoản trên cổng dịch vụ hành chính công, sau đó chuyển các tài liệu gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ LĐ-TB&XH ban hành; bản chính hoặc bản sao có chứng thực các giấy tờ liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ việc, mất việc; sổ bảo hiểm xã hội; căn cước công dân.
“Ở nhà nộp hồ sơ trực tuyến có nhiều lợi ích như, người lao động tranh thủ được thời gian, không mất công đi lại nhiều. Sau khi người lao động chuyển hồ sơ lên cổng dịch vụ công, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận, phối hợp với đơn vị liên quan thẩm định nhanh gọn. Trong vòng 10- 15 ngày, chúng tôi sẽ trình hồ sơ đạt yêu cầu cho Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa ra quyết định hưởng chế độ thất nghiệp cho lao động. Lao động nào chưa thông thạo quy trình nộp hồ sơ trực tuyến có thể liên lạc qua điện thoại đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa để được hướng dẫn chi tiết”, ông Công nói.
Ông Công cho biết thêm, chỉ khi nào có nhu cầu tư vấn, kết nối công việc mới, người lao động mới cần trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa để trao đổi.
Theo lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi năm tại địa phương có khoảng từ 10.000 đến 12.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã có hơn 5.000 hồ sơ, trung bình mỗi tháng có 1.000 hồ sơ đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp.
Nghiên cứu, thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa, nhiều nguyên nhân khiến lao động thất nghiệp như: Do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; do hết hạn hợp đồng lao động; do chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc…
Lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu hoạt động trong các ngành dịch vụ như dịch vụ ăn uống, lưu trú, dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ khác.