Việc giáo viên “hộ tống” thí sinh đi thi đã trở thành chuyện quen thuộc tại Trường PT Dân tộc bán trú THCS Yên Tĩnh, ngôi trường nằm ở vùng sâu, vùng xa, cách thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, Nghệ An, hơn 50 km đường núi.
Do hoàn cảnh của học sinh trong trường đa phần thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhiều em có bố mẹ đi làm ăn xa, sống với ông bà, nên nhà trường đã cắt cử giáo viên đến từng nhà để đưa các em đi thi. Nhà trường cũng liên hệ thuê nhà trọ và đặt cơm cho các em trong những ngày thi xa nhà.
Tại các điểm thi ở TP Vinh, trường cử 3 giáo viên, trong đó có 2 phó hiệu trưởng luôn túc trực. Ở điểm thi còn lại, mặc dù gần hơn, trường vẫn bố trí đến 10 giáo viên hỗ trợ.
Trước ngày thi, các thầy cô phải gọi điện nhắc nhở phụ huynh chuẩn bị tư trang, quần áo, sách vở, bút viết cho con em mình. Nhà trường cũng đã liên hệ xe để đưa đón học sinh tại trường. Khi đến điểm thi, mọi việc lo cho học sinh đều do các thầy cô lo liệu.
Trước ngày thi, các thầy cô phải gọi điện nhắc nhở phụ huynh chuẩn bị tư trang, quần áo, sách vở, bút viết cho con em mình. Nhà trường cũng đã liên hệ xe để đưa đón học sinh tại trường. Khi đến điểm thi, mọi việc lo cho học sinh đều do các thầy cô lo liệu.
Thầy Cả cho biết thêm: “Năm nay, trường chúng tôi có 7 học sinh xuống Vinh dự thi vào trường nội trú tỉnh. Đây đều là những em có học lực khá, giỏi và rất ham học. Các em đi thi, trước hết là cho bản thân và gia đình, nhưng các em cũng đại diện cho nhà trường và thôn bản. Một em đậu được vào trường nội trú là niềm tự hào chung của cả nhà trường.”
Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Sinh Thái, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường có 40 học sinh đi thi nhưng số học sinh có phụ huynh đi cùng, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn các em, chúng tôi rất thương nên cố gắng cùng các em đi thi và lo lắng cho các em. Bản thân các giáo viên, mặc dù nhận nhiệm vụ này cũng phải chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là về an toàn và sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin, khi có sự đồng hành và hỗ trợ từ thầy cô, các em sẽ được truyền thêm niềm tin để có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.”
Em Vy Thị Hồng Thắm, học sinh lớp 9A, ở bản Cặp Chạng (xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương), chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em được xuống Vinh và cả hai lần đều cùng thầy cô đi. Lần trước, vì được xếp vào danh sách học sinh giỏi huyện môn Toán, em đã được nhà trường thưởng cho một chuyến tham quan các di tích danh thắng. Hiện tại, em hơi lo lắng nhưng em sẽ cố gắng làm bài thật tốt để không phụ lòng các thầy cô.”
Vi Thị Cường, bản Nậm Xái, xã Quang Phong, là thí sinh duy nhất từ bản này tham dự kỳ thi tại Trường THPT Quế Phong (Nghệ An). Nhà của Cường cách trường gần 50 km, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bố mẹ em ly thân và đều đi làm ăn xa. Nhiều năm qua, Cường sống với ông bà nội. Em từng nghĩ rằng mình không thể tham dự kỳ thi vào lớp 10, và cô nữ sinh này đã chia sẻ suy nghĩ đó ngay khi đặt chân đến cổng trường THPT Quế Phong.