Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Đầu Thanh Tùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hoàng Văn Thi phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo, tình hình thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể, gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi: Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 đạt 3% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025; đến nay, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả sử dụng và phát triển huy nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm từ 3% trở lên, đạt 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tại Quyết định số 653/QĐ-TTg.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại hội nghị.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Ngay từ đầu năm 2022, các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước; đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho công tác giảm nghèo. Đến nay, nhìn chung, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã và đang phát huy hiệu quả tích cực; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất được tăng cường, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo được tăng cường. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo sơ bộ của các huyện, thị xã, thành phố, kết quả giảm nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như sau: Toàn tỉnh giảm 17.225 hộ nghèo (giảm 1,72% hộ nghèo), từ 67.684 hộ (6,77%) xuống còn 50.459 hộ nghèo (5,05%), vượt 0,22% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Chương trình MTQG xây dựng NTM: Chương trình được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Năm 2022, toàn tỉnh có thêm: 01 thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 08 xã đạt chuẩn NTM; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Kết quả lũy kế đến ngày 16/02/2023, toàn tỉnh có: 12 huyện đạt chuẩn NTM, bằng 92,3% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (13 huyện). 349 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 75%, bằng 97,1% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (77,2%). 67 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 19,2%, bằng 98,4% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (19,5%). 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 2,9%, bằng 87,9% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (3,3%).
Đại biểu trong đoàn giám sát phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng cám ơn đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Thanh Hóa và cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên trong đoàn công tác và giao các thành viên trong BCĐ thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 tổng hợp, xây dựng lại kế hoạch, điều chỉnh chương trình của tỉnh phù hợp hơn.
Đồng chí nhấn mạnh, Thanh Hóa là một tỉnh lớn cả về diện tích cũng như dân số, nên các chương trình MTQG luôn là mối quan tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, điều này được xuyên suốt quán triệt và được huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng thực hiện.
Các đại biểu trong đoàn giám sát phát biểu trao đổi tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng giao các sở, ngành thuộc lĩnh vực của mình phụ trách liên quan đến các vấn đề thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tiếp thu ý kiến tại hội nghị, tổng hợp và có báo cáo trình UBND tỉnh xem xét.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao các kết quả đạt được của Thanh Hóa trong việc thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn tỉnh; đặc biệt khác với các địa phương khác, Thanh Hóa đã quyết định thành lập BCĐ của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch cho cả giai đoạn 2021 – 2025, từ đó, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí cũng thẳng thắn nêu ra một số tồn tại hạn chế của tỉnh trong thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn tỉnh, như: chưa xác định cụ thể được các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chương trình; việc phân bổ vốn năm 2022 của tỉnh còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn năm 2022…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí lưu ý địa phương cần chú trọng công tác tổ chức, kiện toàn lại BCĐ thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần hướng dẫn của BCĐ Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Hoạt động của Văn phòng điều phối NTM mới của tỉnh cả 3 chương trình cần có bộ phận thường trực cho từng chương trình riêng để chuyên sâu cụ thể hơn.
Về hoạt động thực hiện, BCĐ thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 cần ra soát lại kế hoạch chương trình cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Sau 1 năm thực hiện, BCĐ thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 cần báo cáo đánh giá chi tiết gửi BCĐ Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 để tổng hợp, cập nhật và cân đối.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận hội nghị.
Đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Kể cả việc huy động xã hội hóa bằng ngày công của nhân dân và đặc biệt phải phù hợp với mức thu nhập của người dân ở từng địa phương cụ thể. Khi có quyết định giao vốn của Trung ương, tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện cũng như tăng cường việc kiểm tra giám sát. Với những dự án thi công mới, để đảm bảo tiến độ thi công, các đơn vị chủ đầu tư phải chọn lựa nhà thầu kĩ lưỡng và phải có cam kết hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Tăng cường giám sát các nguồn dịch bệnh khác trong cộng đồng cũng như làm tốt công tác quản lý nguồn bệnh không lây nhiễm tại cơ sở.
Đối với những đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện, BCĐ thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 tổng hợp lại theo từng lĩnh vực, để đề xuất đến các Bộ, ngành liên quan./.