Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, nhiều cây xăng trong nội thành Hà Nội hiện không chấp nhận chuyển khoản để thanh toán mà chỉ nhận tiền mặt.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn luật sư TPHCM cho biết, có nhiều cửa hàng xăng e ngại không nhận chuyển khoản có thể xuất phát từ tâm lý nhận tiền mặt “chắc ăn” hơn.
Xét về mặt lý thuyết, các cơ quan chức năng khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt để quản lý dòng tiền và tránh thất thoát.
Việc thanh toán chuyển khoản giúp hạn chế việc trốn thuế. Bởi nếu thanh toán bằng tiền mặt thì cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được các khoản thu của cây xăng không có hoá đơn.
Hành vi trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, tuỳ vào tính chất mức độ hành vi có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính.
Hành vi trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật, tuỳ vào tính chất mức độ hành vi có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính.
Nhưng nghịch lý ở chỗ, việc sử dụng điện thoại ở cây xăng để chuyển khoản lại vi phạm Khoản 1 Điều 12 Thông tư 15/2020/TT-BCT Quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế của cửa hàng xăng dầu đã quy định tại cây xăng phải niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy và phải có biển cấm lửa, cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng đã đặt biển cấm là hành vi vi phạm pháp luật. Nên các cửa hàng xăng dầu cũng có lý do rất chính đáng.
Theo Điều 35 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu mang điện thoại di động vào nơi có biển cấm ở cây xăng, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 300.000 đồng và nếu nghe, gọi thiết bị điện tử ở nơi có biển cấm của cây xăng thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 triệu đồng cho hành vi vi phạm này.
Nếu có thiệt hại xảy ra khi sử dụng điện thoại ở cây xăng có biển báo cấm điện thoại thì người vi phạm có thể vừa bị phạt tiền vừa phải bồi thường thiệt hại theo Điều 589 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó người gây thiệt hại có thể phải bồi thường các khoản như: giá trị tài sản hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng khai thác tài sản bị mất, hư hỏng, huỷ hoại, các chi phí để ngăn chặn hạn chế và khắc phục thiệt hại,…