Chia sẻ tại một buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến mới đây, TS. Võ Thanh Hải – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, năm 2023 và 2024, Bộ GD&ĐT công 20 phương thức xét tuyển được chia làm 2 nhóm: xét tuyển sớm và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT.
Mỗi trường có một đề án tuyển sinh, có trường áp dụng 3 phương thức gồm học bạ, THPT và xét tuyển thẳng; có trường 5, 6, phương thức. Vì thế, thí sinh cần đọc kỹ thông tin về phương thức xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường.
Mỗi trường có một đề án tuyển sinh, có trường áp dụng 3 phương thức gồm học bạ, THPT và xét tuyển thẳng; có trường 5, 6, phương thức. Vì thế, thí sinh cần đọc kỹ thông tin về phương thức xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường.
TS. Võ Thanh Hải cho rằng, nhiều thí sinh và phụ huynh chưa hiểu đầy đủ về xét tuyển sớm. “Xét tuyển sớm là các phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả kỳ thi THPT. Xét tuyển sớm được thực hiện trước kỳ thi THPT và kết quả sẽ được thông báo “trúng tuyển có điều kiện”. Điều này đồng nghĩa thí sinh chỉ mới đủ điểm trúng tuyển vào một ngành của một trường nào đó. Để trúng tuyển chính thức, thí sinh phải tốt nghiệp THPT và đăng ký lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học trên hệ thống”.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, sai sót phổ biến nhất là khai sai đối tượng ưu tiên và khu vực. Nhiều thí sinh không được ưu tiên nhưng lại khai có điểm ưu tiên, lúc trúng tuyển, làm thủ tục phải xét tuyển bổ sung và khi nhập học, trường kiểm tra lại thì các em bị trừ điểm ưu tiên và trở thành trượt.
Thứ hai là sai sót về mặt kỹ thuật trong thao tác đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Khi đăng ký lên hệ thống, thí sinh thực hiện chưa đúng hoặc chưa hoàn thiện quy trình. Các em đăng ký xong mà không nộp lệ phí xét tuyển hoặc không xác nhận nhập học lên hệ thống cũng sẽ mất cơ hội trúng tuyển.
Đưa ra lời khuyên giúp thí sinh có được cơ hội trúng tuyển cao nhất ngay trong giai đoạn xét tuyển sớm này, ThS. Phạm Doãn Nguyên – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM cho biết, nếu trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, khi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần đăng ký ngành đã trúng tuyển làm nguyện vọng 1 lên hệ thống, sau đó nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học là chính thức trở thành sinh viên.
“Áp lực về kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi rất nhiều vì lúc này các em đã chắc một suất vào đại học. Dù các em trúng tuyển sớm bằng học bạ hay sau này trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì chương trình học, học phí, cơ hội học bổng và giá trị bằng cấp là như nhau.
Các em lưu ý, nếu muốn chính thức trúng tuyển, sau khi Bộ GD&ĐT mở hệ thống xét tuyển thì các em phải đăng ký ngành đã trúng tuyển sớm làm nguyện vọng đầu tiên lên hệ thống.
Trong trường hợp muốn xét tuyển thêm bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì cũng phải biết sắp xếp nguyện vọng đúng cách để không mất cơ hội trúng tuyển vào ngành mình mong muốn. Các em cần đặt ngành mình yêu thích nhất tại trường mình yêu thích nhất lên nguyện vọng cao nhất và sắp xếp theo thứ tự giảm dần”, ThS. Phạm Doãn Nguyên lưu ý.