Hôm nay – 2/8, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu thấu, mua sắm của Bệnh viện Viêt Đức đã có cả một ngày làm việc tập trung tại hội trường lớn tham dự Hội thảo phổ biến Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Bộ Y tế đã phổ biến, trao đổi về những quy định mới liên quan đến đấu thầu mua sắm trong lĩnh vực y tế; cũng như một số vướng mắc hay gặp trong đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y tế; phân chia các gói thầu thuốc generic, biệt dược gốc, cũng như cách ghi dạng bào chế thuốc tại gói thầu; cập nhật quy định liên quan đến mua sắm các thuốc thuộc danh mục đàm phán giá.
Bên lề hội thảo, trước những thông tin báo chí phản ánh người bệnh, người nhà bệnh nhân phải mua thuốc ở ngoài, TS Dương Đức Hùng – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, do tính chất chuyên khoa nên số lượng vật tư, thuốc sử dụng tại Bệnh viện Việt Đức với số lượng rất lớn.
“Tuy nhiên có thể nói rằng thời gian khó khăn nhất với bệnh viện đã qua, các gói thầu có kết quả, chúng tôi đã gọi được hàng”- ông Hùng nói.
Về việc người bệnh, người nhà bệnh nhân có phản ánh phải mua thuốc ở ngoài, sau khi kiểm tra, ông Hùng cho hay: Trong điều trị có khái niệm tương đương sinh học, tức là không có thuốc này thì có những thuốc khác (ví dụ kháng sinh) mà tác dụng sinh học tương đương có thể thay thế. Như vậy có thể thay thế thuốc này bằng thuốc khác.
Về việc người bệnh, người nhà bệnh nhân có phản ánh phải mua thuốc ở ngoài, sau khi kiểm tra, ông Hùng cho hay: Trong điều trị có khái niệm tương đương sinh học, tức là không có thuốc này thì có những thuốc khác (ví dụ kháng sinh) mà tác dụng sinh học tương đương có thể thay thế. Như vậy có thể thay thế thuốc này bằng thuốc khác.
“Tuy nhiên không chỉ Bệnh viện Việt Đức, mà nhiều bệnh viện công đều đang thiếu thuốc này. Ở Bệnh viện Việt Đức, số bệnh nhân ghép tạng cần dùng loại thuốc này rất nhiều nhưng lại không có được ở trong dược nội trú nên buộc phải mua ngoài”- ông Hùng nói và cho biết thêm, trước kia, những thiếu thốn trong dược nội trú được khỏa lấp thông qua hệ thống nhà thuốc của bệnh viện. Tuy nhiên hiện hệ thống nhà thuốc trong tất cả hệ thống bệnh viện công đều đang gặp khó khăn do vướng quy định về mua sắm, đấu thầu.
Đối với phản ánh “Bệnh nhân mất rất nhiều thời gian chờ đợi để được mổ ở bệnh viện”, TS Hùng cho hay: Tháng 5/2024, thông tư hướng dẫn mua thuốc mới có, khi đó các bệnh viện mới bắt đầu làm hồ sơ để mua sắm.
“Với bệnh viện ngoại khoa, thuốc mê là loại thuốc quan trọng không thể thay thế. Mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức có khoảng 300 ca mổ phiên (mổ theo kế hoạch) và 30-40 ca mổ cấp cứu, nghĩa là nhu cầu thuốc này rất lớn. Thuốc mê không có thì không chỉ mổ phiên mà cả cấp cứu cũng không thực hiện được”- ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, song song với việc làm ngày làm đêm để có hồ sơ thầu, bệnh viện buộc phải điều tiết để không gián đoạn thuốc trong thời gian chờ gọi được thuốc.