‘Người Đan Lai có bác sĩ rồi…’

Hôm ấy, khi vừa đến cổng trạm y tế xã, chị Vi Thị Loan, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đon đả chạy ngược về phía cổng đón mọi người báo tin vui: “Người Đan Lai có bác sĩ rồi đấy”. Hình như chưa thỏa mãn với thông tin ấy, chị Loan liền kéo tay mọi người đi dọc trạm xá, đến căn phòng của bác sĩ Vinh tự hào giới thiệu: “Đây là bác sĩ La Văn Vinh, 38 tuổi. Bác sĩ đa khoa đầu tiên của người Đan Lai”.

Trong căn phòng gọn gàng, sạch sẽ, BS Vinh choàng ống nghe trước ngực, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Dường như đoán được suy nghĩ của mọi người về câu chuyện vì sao một người Đan Lai từ trong hang cùng núi hẻm trên thượng nguồn sông Giăng lại trở thành một bác sĩ đa khoa, BS Vinh chia sẻ với chất giọng mộc mạc: “Hồi nhỏ đi học, tôi bị ốm phải đến điều trị tại trạm xá xã Môn Sơn. Chính sự chăm sóc bệnh tình của những người thầy thuốc tại đây in sâu trong tâm trí thơ bé của tôi về hình ảnh người thầy thuốc tận tình, chu đáo bất kể ngày đêm. Lớn lên, những ngày tháng cuối cấp THPT, tôi thầm nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ như những thầy thuốc đó”.

Không riêng gì người Đan Lai, cộng đồng các dân tộc anh em ở khu vực miền núi này luôn tự hào về BS Vinh và luôn mong muốn sẽ có thêm nhiều bác sĩ nữa cho cộng đồng của mình. “Hiện tại tôi là bác sĩ thứ nhất của người Đan Lai. Hi vọng những năm sau sẽ có thêm bác sĩ thứ hai, thứ ba cũng là người Đan Lai. Tôi tin, đời sống xã hội phát triển sẽ tác động tích cực đến nhận thức của bà con dân bản Cò Phạt, Khe Khặng, Khe Búng. Trong tương lai không xa, người Đan Lai không chỉ có thêm bác sĩ mà sẽ có cả kỹ sư, nhà khoa học…”, BS Vinh tự hào nói.

“Hồi đó, bên cạnh con sông Giăng chảy xiết chỉ có một đường mòn độc đạo rậm rịt cây rừng từ đập Phà Lài, len lỏi, ngược lên vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát và cụm bản của người Đan Lai. Từ bản Cò Phạt, tôi được bố mẹ dẫn đi nhưng phải mất hơn một ngày mới ra đến trung tâm xã. Hôm ấy, mới đi hơn nửa chặng đường thì trời tối, cả nhà phải “hạ trại” ngủ dưới mé rừng. Đêm khuya, một cơn lốc bất ngờ vụt qua, cuốn bay mái lán che bằng cành cây rừng. Cha con, mẹ con chỉ biết ngồi dựa vào nhau. Gió rừng buốt thấu xương”, BS Vinh nhớ lại một cảnh tượng đi học cách đây 30 năm.

Theo BS Vinh, do đường sá đi lại khó khăn nên đây là rào cản đầu tiên trong quãng đời đi học của mình. Cũng vì trải qua gian khổ, vất vả đã hun đúc lên ý chí học hành của chàng thanh niên người Đan Lai ngày nào. 

“Khi ra đến trung tâm xã thấy như mình đến một thế giới khác dù lúc đó còn bao khó khăn. Trong đầu lúc ấy chỉ nghĩ đến việc học để thoát nghèo khổ, thoát khỏi rừng núi âm u và heo hút. Chỉ có học mới giúp người bản thân mình giúp đỡ được đồng bào mình…”, anh Vinh chia sẻ.

Năm 2006, La Văn Vinh đỗ vào Trường Trung cấp y tế Nghệ An. Không ngờ chặng đường mới này của đời sinh viên lại tiếp tục cam go bởi những tháng đi học với chiếc túi đựng vài ba bộ quần áo cũ rách. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *