PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, phát động lễ mít tinh. Dự buổi lễ có: PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi Cơ sở y tế Xanh -Sạch – Đẹp lần I; ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; lãnh đạo HĐND tỉnh Đắk Nông; lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam.
Phát biểu tại lễ mít tinh, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Ngày 26/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó chỉ đạo “Thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mỗi đơn vị, mỗi người dân”.
Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Chủ đề ưu tiên của các chiến dịch là giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, từ đó đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng khích lệ”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thói quen, hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng đã có sự thay đổi cơ bản. Tỉ lệ người dân rửa tay với xà phòng tăng mạnh, 96% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng gần 12% so với năm 2012. Tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đã đạt 82%.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thói quen, hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng đã có sự thay đổi cơ bản. Tỉ lệ người dân rửa tay với xà phòng tăng mạnh, 96% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng gần 12% so với năm 2012. Tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đã đạt 82%.
Đặc biệt, Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên là ba vùng đã đạt trên 72% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, vệ sinh trong cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã từng bước được cải thiện. Các kết quả này đã góp phần giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm gây dịch bệnh ở nước ta…
“Các hoạt động thiết thực của phong trào vệ sinh yêu nước còn góp phần hỗ trợ để đạt được các mục tiêu về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước hiện nay đã cung cấp đủ nước sạch, có nhà vệ sinh sạch sẽ, bố trí cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường, thực hiện phân loại và tái chế chất thải nhựa, quản lý chất thải y tế theo đúng quy định…”, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.
Tại buổi mít tinh, ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện từ năm 2012 đến nay, phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã thể hiện rõ vai trò sứ mệnh của mình, giúp người dân có cái nhìn tích cực hơn về vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng, vệ sinh môi trường. Điều này thể hiện rõ nét qua việc, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Đắk Nông được xử lý tốt, số ca bệnh truyền nhiễm hàng năm liên quan đến nguồn nước, tiêu hóa giảm.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Tổng Giám đốc quốc gia Unilever Việt Nam cam kết đồng hành và hợp tác toàn diện cùng Bộ Y tế thông qua Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) về Chương trình “Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững” giai đoạn 2023-2028, với mong muốn tiếp tục triển khai những hoạt động hợp tác mới mẻ và đột phá, mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong tương lai.
Bên cạnh các thành quả đạt được, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan huy động mọi nguồn lực tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước năm 2024 và giai đoạn 2025 – 2030.