Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Sức khỏe và Ðời sống xin gửi tới bạn đọc câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những nhà báo liệt sĩ qua lời kể và hành trình hàng thập kỷ tìm hiểu, thu thập thông tin về 511 nhà báo liệt sĩ của nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An.
Theo dấu chân những nhà báo liệt sĩ
Ông Hiền kể, ông cũng từng là người lính, nên hơn ai hết ông thấu hiểu sự ra đi đau xót của đồng đội. Theo ông, xót xa nhất là nhiều nhà báo liệt sĩ hiện nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Ông Hiền kể, ông cũng từng là người lính, nên hơn ai hết ông thấu hiểu sự ra đi đau xót của đồng đội. Theo ông, xót xa nhất là nhiều nhà báo liệt sĩ hiện nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Những lời chia sẻ của nhà báo Trần Văn Hiền với phóng viên như dòng chảy ký ức sống động, mọi khoảnh khắc của từng đồng nghiệp, mốc thời gian, sự kiện và số liệu đều được ông nhớ như in mà không cần xem lại tư liệu. Kể về hành trình hàng thập kỷ, lặn lội ra Bắc vào Nam để tìm và viết chân dung những nhà báo liệt sĩ, ông kể: Người đầu tiên ông đi tìm và viết lại chân dung là nhà báo Vũ Hiến.
Năm 1995, ông xin nghỉ phép, đi xe đò ra tận Hải Phòng tìm đến khu tập thể cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân, gặp bà Nguyễn Thị Thân, vợ nhà báo Vũ Hiến, phóng viên báo Hải Quân Việt Nam, hy sinh năm 1979. Ông Hiền ngậm ngùi chia sẻ với bà: “Tôi và Vũ Hiến cùng học lớp báo chí (1974-1976) tại Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền). Nghe tin Vũ Hiến hy sinh đã lâu nhưng nay mới có dịp ra thăm và muốn biết bạn mình hy sinh như thế nào”.
Khi đó, bà Thân nói: “Tôi chỉ nhận được giấy báo tử, không biết chồng hy sinh trong trường hợp nào. Sau đó, tôi tìm đến Lữ đoàn 126 tham gia đánh vào cảng Công Pong Xom. Ðến đây, tôi gặp được ông Nguyễn Văn Tình – Lữ đoàn trưởng cùng các chỉ huy lữ đoàn đặc công nước Anh hùng này và được nghe kể lại về sự hy sinh anh dũng của chồng tôi”.
Khi đó, bà Thân nói: “Tôi chỉ nhận được giấy báo tử, không biết chồng hy sinh trong trường hợp nào. Sau đó, tôi tìm đến Lữ đoàn 126 tham gia đánh vào cảng Công Pong Xom. Ðến đây, tôi gặp được ông Nguyễn Văn Tình – Lữ đoàn trưởng cùng các chỉ huy lữ đoàn đặc công nước Anh hùng này và được nghe kể lại về sự hy sinh anh dũng của chồng tôi”.
Trên cả chặng đường trở về, ông Hiền ấp ủ ý nghĩ: “Phải tái hiện lại hình ảnh, câu chuyện của những nhà báo liệt sĩ. Có lẽ, nhà báo Vũ Hiến là người mà ông mất nhiều thời gian nhất để dựng lại chân dung bởi quá trình tìm gặp các nhân vật liên quan khá nhiều khó khăn”.
Mãi tới năm 2002, ông mới tìm được Chuẩn đô đốc (sau này là Phó Ðô đốc) Nguyễn Văn Tình, Anh hùng lực lượng vũ trang – Chính ủy Quân chủng Hải quân và những sĩ quan Lữ đoàn 126, trực tiếp chỉ huy trận đánh có nhà báo Vũ Hiến tham gia.
Những người chỉ huy Lữ đoàn 126 thời đó, xúc động nhớ lại: “Trong một trận chiến khốc liệt vào lúc 14h30 ngày 3/1/1979, khi Hải quân Vùng 5 tiến hành tấn công cảng Kép và cảng Cô Công, Vũ Hiến đã bám sát theo các đơn vị hải quân này. Anh ngồi trên tháp pháo của xe tăng, cùng với Trung đoàn 812, Sư đoàn 8. Sau khi chúng ta chiếm được hai cảng này, các cánh quân ào ạt bao vây ngã ba Va Lung – cửa ngõ ác liệt che chắn quốc lộ số 3, dẫn vào Thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Tại đây, ta chạm trán với 3 sư đoàn của Pol Pot đang chốt chặn các cao điểm dọc tuyến quốc lộ. Trên tháp pháo của xe tăng, Vũ Hiến ngực đeo máy ảnh, súng AK chéo hông. Giữa mịt mù khói lửa anh liên tục bấm máy ảnh. Rồi khi ta vừa vượt qua ngã ba Va Lung, anh trúng đạn ngã xuống tháp pháo, hai bàn tay vẫn nắm chặt máy ảnh”.
“Viết về người đang sống phải hết sức chân thực. Viết về người đã hy sinh mà dối trá thì có tội với người, với nghề” ông Hiền nói, rồi kể về hai anh em ruột là nhà báo liệt sĩ Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở Mỹ Tho, Tiền Giang (nay là tỉnh Tiền Giang).
Nhà báo Bùi Văn Thưởng từng viết một bài báo tường thuật mang tựa đề “Ấp Bắc, trận đầu đánh thắng chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận”, được các tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Ðài Tiếng nói Việt Nam và Ðài Phát thanh Giải phóng đăng tải, phát sóng vào ngày 3/1/1963, làm nức lòng quân dân cả nước. Không lâu sau, Bộ Tư lệnh Miền phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Sau đó, ở miền Bắc, nhiều cánh đồng 5 tấn, nhiều công trình tăng năng suất, đoàn xe, đoàn tàu an toàn đều lấy tên “Ấp Bắc”.