Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hà Nội vừa diễn ra, trình bày dự thảo Tờ trình của UBND TP và Nghị quyết của HĐND TP về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với lĩnh vực ATTP và triển khai thi hành Luật Thủ đô, Sở đã báo cáo UBND TP xem xét, đề nghị Thường trực HĐND TP chấp thuận chủ trương ban hành Nghị quyết, theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính là mức tối đa theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024. Việc đề xuất mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt để tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên quan ATTP, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thời gian qua, công tác ATTP luôn được lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo sát sao, Sở Y tế cùng các ngành liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn về bảo đảm ATTP, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP các cấp.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác vệ sinh ATTP – vấn đề hiện rất phức tạp, cần có mức phạt trong phạm vi cho phép để răn đe chung.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề vệ sinh ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, mặc dù cơ quan chức năng đã có chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe nên vẫn rất phức tạp. Việc ban hành nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt vấn đề vệ sinh ATTP; là cơ sở kịp thời để triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống cần quan tâm đến nhiều vấn đề, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh đường phố.
Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ thêm tình hình vi phạm ATTP hiện nay ở Hà Nội, nhất là về mức độ vi phạm, đồng thời cơ quan chức năng của thành phố cần ban hành phụ lục đi kèm để dễ thực hiện, chú trọng khâu tuyên truyền và tăng cường phân quyền cho chính quyền cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, các đại biểu cho rằng, ngoài đối tượng được quy định chung đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng quản lý, cấp phép trong lĩnh vực vệ sinh ATTP.