Ngày 5/7, Vụ Pháp chế phối hợp cùng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này.
Hội thảo nhằm cung cấp thêm thông tin đến người dân về tác hại của thuốc lá mới, giúp người dân phòng, tránh tiếp cận các sản phẩm độc hại trong khi cơ quan quản lý đang đề xuất ban hành chính sách quản lý các sản phẩm này.
Theo các chuyên gia, hiện nay do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này đang được nhập lậu vào Việt Nam, tiếp cận giới trẻ dẫn đến tình trạng nhập viện gia tăng do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.
Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết vào trong Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận, cấp cứu rất nhiều trường hợp ngộ độc cấp sau dùng thuốc lá điện tử. Các biểu hiện nhẹ thì lơ mơ, rối loạn ý thức, kích động, la hét, ảo giác, không kiểm soát được hành vi…; một số trường hợp nặng rơi vào hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận, đột quỵ não…
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thống kê mới nhất có tới 700 các loại ma túy cần sa tổng hợp nhưng hiện tại ở Việt Nam chúng ta mới xác định được khoảng 200 chất.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Thống kê mới nhất có tới 700 các loại ma túy cần sa tổng hợp nhưng hiện tại ở Việt Nam chúng ta mới xác định được khoảng 200 chất.
Chuyên gia chống độc khẳng định, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác hoàn toàn có hại sức khỏe. Nó mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác. Đồng thời làm nặng, phức tạp thêm vấn đề thuốc lá thông thường, ma túy. Vì vậy tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này.
Hiện nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử (như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…). Điển hình, Trung Quốc là quốc gia phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất trên thế giới nhưng đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử).
“Cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác ở Việt Nam. Cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi…” – TS. Nguyên nêu rõ quan điểm.