Kỳ đài Huế được xây dựng vào năm 1807 gồm đài cờ và cột cờ, tổng chiều cao 54,5m. Đài cờ với 3 tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau với chiều cao 17,5m, cột cờ ở vị trí trung tâm tầng cao nhất của đài cờ. Trải qua thời gian, đầu năm 1948 cột cờ được dựng lại bằng bê tông cốt sắt với chiều cao 37m.
“Tổ có 9 người nhưng chỉ có 2 người chuyên làm nhiệm vụ treo, gỡ và hạ cờ. Không quá nặng nhọc nhưng người làm việc này đòi hỏi phải có một “tinh thần thép” và đặc biệt không sợ độ cao”, anh Đặng Ngọc Thành (28 tuổi, một trong 2 người được giao nhiệm vụ kéo, hạ cờ ở Kỳ đài) nói.
Hai năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Thành được tuyển vào làm nhân viên Tổ Bảo vệ Kỳ đài. Trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm, nhưng anh Thành luôn nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ “thiêng liêng”.
Anh Thành cho biết, để treo một lá cờ cần ít nhất 2 người cùng làm. Trước tiên phải xác định các mặt của lá cờ, sau đó cột cờ vào dây ròng rọc. Tiếp đó, một người ở dưới quay ròng rọc để đẩy cờ lên, người còn lại leo lên đỉnh cột từ từ bung ra cho cờ bay theo hướng gió.
Anh Thành cho biết, để treo một lá cờ cần ít nhất 2 người cùng làm. Trước tiên phải xác định các mặt của lá cờ, sau đó cột cờ vào dây ròng rọc. Tiếp đó, một người ở dưới quay ròng rọc để đẩy cờ lên, người còn lại leo lên đỉnh cột từ từ bung ra cho cờ bay theo hướng gió.
“Cờ Tổ quốc được kéo lên và hạ xuống bằng máy tời. Tuy nhiên việc cờ thường bị mắc, không thể tung bay khiến người làm nhiệm vụ này phải thường xuyên trèo lên để gỡ. Phức tạp nhất là những lúc gió to, dù có dây an toàn nhưng cũng rất nguy hiểm. Mỗi ngày, tổ trực phải chỉnh sửa cờ bị vướng từ 2-3 lần. Để làm việc này, ngoài biết leo trèo, không sợ độ cao còn phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận”, anh Thành nói.
Hai năm được phân công làm nhiệm vụ ở Kỳ đài, đối với anh Thành lần thực hiện treo cờ rủ Quốc tang cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất.
“Dù rất đau buồn trước sự ra đi của cố Tổng Bí thư, tôi cố kìm nén để hoàn thành nhiệm vụ. Thực sự lúc leo lên cột cờ để thực hiện nghi thức treo cờ rủ, cảm xúc trong tôi luôn trực trào, nó khác với công việc hàng ngày của mình. Đó là giây phút mà tôi sẽ không thể nào quên”, anh Thành xúc động nói.
Với anh Thành, việc được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế giao nhiệm vụ treo cờ Tổ quốc ở vị trí trang trọng nhất của Kinh thành Huế là một vinh dự lớn đối với bản thân anh và cả gia đình.
“Đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà đơn vị tin tưởng và giao phó cho mình, đó là một niềm vinh dự mà không phải ai cũng có được”, anh Thành bày tỏ.