Một nội dung quan trọng của Luật BHYT lần này là chi trả BHYT cho việc chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung; điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo có chỉ định sử dụng dinh dưỡng điều trị đặc thù.
Điều này giúp giảm chi dài hạn cho Quỹ BHYT, giảm tỷ lệ mắc, tăng nặng, tử vong. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, cần triển khai thí điểm trước khi thực hiện chính thức.
Liên quan vấn đề thanh toán BHYT cho những bệnh có chi phí điều trị lớn như các bệnh hiểm nghèo, ung thư, tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật này do Bộ Y tế tổ chức hôm 29/8, bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch… Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỷ/năm cho chi phí điều trị. Đây là quyền lợi lớn đối với người bệnh.
Các quy định hiện hành đang quy định tỷ lệ thanh toán BHYT cho người bệnh (mức hưởng) là đồng đều cho tất cả các bệnh, không có đặc thù với mặt bệnh nào. Đối với bệnh ung thư có một số thuốc điều trị mới, chi phí rất cao nên quỹ BHYT rất khó để có thể thanh toán ngay lập tức hoặc thanh toán 100%.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được BHYT chi trả trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ BHYT, để tăng quyền lợi cho người bệnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được BHYT chi trả trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ BHYT, để tăng quyền lợi cho người bệnh.