Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ khát vọng của dân tộc Việt Nam về vấn đề độc lập dân tộc và ý chí “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
“Tuyên ngôn độc lập” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất, tiêu biểu cho phong cách văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ phản ánh sâu sắc quan điểm triết học, chính trị, nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn còn có sức thuyết phục rất cao thông qua cách bố cục và những luận điểm chặt chẽ.
“Tuyên ngôn độc lập” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất, tiêu biểu cho phong cách văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ phản ánh sâu sắc quan điểm triết học, chính trị, nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn còn có sức thuyết phục rất cao thông qua cách bố cục và những luận điểm chặt chẽ.
Đặc biệt, bản Tuyên ngôn chứa đựng những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.
Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không đi thẳng vào vấn đề, mà khéo léo đưa ra những cơ sở pháp lý về quyền con người và quyền dân tộc để làm nền tảng căn cứ vững chắc cho bản Tuyên ngôn.
Trước hết, Người đưa ra các trích dẫn trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Trước hết, Người đưa ra các trích dẫn trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn còn mang ý nghĩa sâu xa hơn đó là Bác đã đặt bản Tuyên ngôn độc lập nước ta ngang hàng với hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, nếu như hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ chỉ dừng lại ở việc nhấn mạnh quyền con người, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”
Điều này thể hiện được sự sáng tạo, tài năng với những lập luận sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau.
Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Bởi vậy, có thể nói Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc.